......::::::: DIỄN ĐÀN LỚP 11LTBC - RTC2-VOV:::::::..........
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

......::::::: DIỄN ĐÀN LỚP 11LTBC - RTC2-VOV:::::::..........

.........::::::ĐOÀN KẾT-TỰ TIN-CHIỀN THẮNG:::::::.........
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Thể Loại Phóng Sự ( CÁI TÔI TRẦN THUẬT QUA CÁC THỜI KỲ)

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 52
Join date : 16/08/2010
Age : 35
Đến từ : Bến Tre xứ dừa

Thể Loại Phóng Sự ( CÁI TÔI TRẦN THUẬT QUA CÁC THỜI KỲ) Empty
Bài gửiTiêu đề: Thể Loại Phóng Sự ( CÁI TÔI TRẦN THUẬT QUA CÁC THỜI KỲ)   Thể Loại Phóng Sự ( CÁI TÔI TRẦN THUẬT QUA CÁC THỜI KỲ) I_icon_minitimeTue Sep 14, 2010 8:03 am

[url]
PHÓNG SỰ KHÁI QUÁT
NHÓM 2
CÁI TÔI TRẦN THUẬT QUA CÁC GIAI ĐOẠN
Phóng sự là một thể loại báo chí đặc biệt trong các thể loại báo chí. Từ lúc mới ra đời, phóng sự đã làm dấy lên những cơn sóng kinh hoàng cho các nhà cầm quyền. Là một thể loại chính luận nghệ thuật, phóng sự mang đến cho người đọc từ cảm xúc bất ngờ này, đến những kinh ngạc khác. Nó mạnh dạn mở ra những bí mật của sự thật về các vấn đề nằm ấn sâu trong xã hội. Hơn nữa, một phóng sự hay không chỉ bởi sự khắc nghiệt của các bí mật giấu kín trong đấy, mà chính là lối viết văn tài tình của các tác giả. Và điều mà chúng tôi muốn nói đến đây, chính là cái tôi trần thuật trong phóng sự.

I. Giai đoạn 2000 – 2010:

"Phóng sự tất nhiên cũng phải đổi mới trong một xã hội thời đổi mới. Nét khác biệt của phóng sự Việt Nam giai đoạn này là sự mở rộng đến vô cùng của đề tài, dường như không còn vùng cấm kỵ. Chất truyện nhạt dần, tăng tính thời sự- thời đại (một đặc trưng cơ bản của phóng sự), kích thước và dung lượng, cấu trúc ngôn từ được thu gọn hơn, thi pháp mới mẻ, độc đáo. Và, hiệu ứng xã hội chính là điểm nổi rõ nhất, nó làm cho phóng sự giai đoạn này có sức mạnh, có quyền uy và có sức lay chuyển xã hội".
Nhà văn Tô Hoài đặc biệt nhấn mạnh tính không ổn định của thể loại ký: Ký cũng như truyện ngắn, truyện dài hay thơ, hình thù đấy nhưng vóc dáng nó luôn đổi mới đòi hỏi sáng tạo và thích ứng. Phóng sự thuộc thể loại ký, nên chắc chắn nó cũng không nằm ngoài qui luật này.
1. Đề tài được mở rộng đến vô cùng, dường như không còn vùng cấm kỵ Đại hội Đảng lần thứ VI với xu hướng dân chủ hóa như một lực đẩy cần thiết để cánh cửa phóng sự mở ra, tiếp giáp với tất cả các chân trời hiện thực. Đề tài phóng sự được mở rộng đến vô cùng, dường như không còn vùng cấm kị. Nhiều vấn đề một thời người ta ngại nói đến, nay được phóng sự xốc dậy, mổ xẻ và nghiền ngẫm, để rồi đưa ra những lời giải đáp đôi khi trần trụi đến lạnh lùng.
Đề tài chiến tranh tiếp tục được khai thác, vẫn là mảnh đất đầy tiềm năng của phóng sự. Tuy nhiên, nếu trước đây ống kính phóng sự được đặt ở vị trí cận cảnh, để ghi lại những thước phim sinh động, hoành tráng về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; thì thời kỳ này chiến tranh được nhìn từ một vị trí khác. Sự khốc liệt của cuộc chiến hôm qua được nhìn từ số phận người lính trở về sau chiến tranh và những mất mát lặng thầm của những người ở lại. Nhiều nhà báo đã thử sức ở đề tài này, song thành công và ấn tượng nhất là những trang viết giàu cảm xúc của Minh Chuyên. Dưới cái nhìn của Minh Chuyên, chiến tranh là số phận người lính trở về với thân hình dị dạng và di chứng của sự mất trí, có người lang bạt gần hết cuộc đời vẫn không tìm được lối về quê cũ. Dấu tích chiến tranh đọng lại trong đôi mắt mòn mỏi đợi chờ của những người vợ, người mẹ. Đặc biệt, chiến tranh hiện lên qua số phận “người lính - những người hát bè trầm trong dàn hợp xướng hào hùng của dân tộc ở thời kỳ chống Mỹ. Giờ đây giữa đời thường, họ đang trải qua những nỗi đau trần thế, những bi kịch xót xa bất ngờ đến kinh hoàng bởi sự tàn phá của chất độc màu da cam.
Mỗi cuộc đời là một tấn bi kịch. Số phận người lính thời hậu chiến vẫn trở đi, trở lại trong phóng sự. Hòa bình cũng là lúc con người có thời gian để suy ngẫm và nhìn ngắm lại mình. Va chạm với nhiều mâu thuẫn nảy sinh sau chiến tranh, con người xuất hiện với tất cả các mối quan hệ phức tạp vốn có. Đề tài đời tư phát triển như một quy luật tất yếu. Cuộc sống đời thường với sự “ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ và màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ” (Nguyễn Khải), song các ngả đường ấy giao nhau tại một điểm: Đó là số phận con người. Hơn bao giờ hết, số phận con người được đặt ra như một yêu cầu bức bách và được soi rọi từ nhiều phía. Con người thuộc mọi giai tầng, quan chức có, thường dân có, nông thôn có, thị thành có, giàu nghèo đủ cả... không ai giống ai, mỗi người một cảnh ngộ. Là những số phận oan khuất, với những cuộc hành trình dằng dặc trên con đường đi tìm công lý; là khát vọng hòa nhập cộng đồng, là nỗi mong mỏi được thông cảm, xẻ chia của những con người đang vật lộn với AIDS và trực khuẩn Hansen. Đằng kia là những cuộc đời eo sèo, lam lũ; là số phận những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, nếu có một điều ước duy nhất chỉ mơ ước có mẹ, có cha…

Những bi cảnh, những số phận thương tâm cứ diễu qua ống kính phóng sự. Đôi lúc, phóng sự dẫn người đọc đến với những bất ngờ đầy thú vị. Ngòi bút tìm tòi của phóng sự sục vào những góc khuất tối tăm để gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh. Họ là những con người bình thường đang lăn lộn giữa những cái nghề không bình thường: Nghề trông coi nhà xác, nghề giữ nghĩa trang, nghề giám thị coi ngục, nghề giám định pháp y... Ngòi bút phóng sự xoáy sâu vào những nghịch lý mà ở thời điểm này khó có thể chấp nhận. Tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm, tham nhũng vốn là đề tài quen thuộc của phóng sự trước 1945. Tuy nhiên, những khối u ấy, qua ống kính phóng sự có nhiều thay đổi. Cờ bạc được nhìn nhận như một nguyên nhân làm tăng tốc độ tham nhũng, ma túy, mại dâm. Mại dâm - một phương thức kinh doanh siêu lợi nhuận, là con đường dẫn đến sự tha hóa nhân cách, là nguy cơ làm ô nhiễm bầu “không khí” trong lành và thuần khiết của nông thôn, là nguyên nhân của mọi sứt mẻ, rạn nứt trong quan hệ gia đình. Ma túy không ngoại trừ ai, từ miền ngược đến miền xuôi, từ những đứa trẻ vừa mới lọt lòng đến cụ già luống tuổi, từ những người thiếu hiểu biết đến cả sinh viên, học sinh, công an, viên chức, nhà phật học… tất cả đều có thể rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của ma tuý. Đồng nghĩa với tội ác, ma túy không chỉ là nỗi đau của gia đình, mà còn là gánh nặng của xã hội. Đặc biệt là tệ nạn tham nhũng - một vấn đề cũ, song cũng có thể xem là mới. Cái mới là vấn đề được tiếp cận và phản ảnh ở thế trực tiếp, trên tinh thần tự do dân chủ. Không cỏn con như kiểu tham nhũng trong Một huyện ăn tết (Vũ Trọng Phụng), tham nhũng thời mở cửa có khác, thông thoáng, tinh vi, xảo trá và... lạnh lùng hơn, tất cả cuốn lấy nhau trên một hệ thống dây chuyền khá qui mô và chuẩn xác. Tấn công tệ nạn tham nhũng, ngòi bút phóng sự thật cứng rắn khi chĩa mũi nhọn vào sự tha hóa, biến chất của một số quan chức, vào những vụ việc có liên quan dây chuyền đến nhiều mối quan hệ, nhiều cơ quan nhà nước. 2. Chất truyện nhạt dần, đưa phóng sự trở về đúng với đặc trưng thể loại Đặc trưng quan trọng của phóng sự là sự hợp nhất truyện và nghiên cứu”. Lấy số phận con người làm nguồn cảm hứng sáng tạo, phóng sự sau 1986 đặc biệt giao thoa với thể loại ký chân dung. Nhiều phóng sự có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai thể loại. Nhiều chân dung con người xuất hiện trong phóng sự. Bị chi phối bởi yêu cầu thông tin thời sự, phóng sự không có điều kiện xây dựng nhân vật hoàn chỉnh như nhân vật của truyện ngắn và tiểu thuyết. Nghĩa là phóng sự không có điều kiện đi sâu vào thế giới nội tâm, khắc hoạ tính cách nhân vật. Con người trong phóng sự là con người của hành động. Hành động được coi là sự thể hiện sinh động của tính cách. Ở nhiều phóng sự, nhân vật xuất hiện bằng vài nét bút phác họa. Có khi một đoạn đường đời dằng dặc của nhân vật chỉ được tác giả tóm tắt trong hơn 10 dòng. 10 dòng ấy dùng để ghi lại những biến cố, những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Còn những diễn biến tính cách và đời sống nội tâm được ống kính phóng sự lướt qua. Đây là một trong những nguyên tắc phản ánh của phóng sự sau 1986. phóng sự, tính khuynh hướng bộc lộ trực tiếp qua ngôn ngữ trữ tình và chính luận của cái tôi trần thuật. Với phóng sự, quan điểm, tư tưởng, tình cảm của người viết có điều kiện bộc bạch trực diện và bắt nguồn từ khuynh hướng công khai của nhân vật trần thuậtcho nên chiếm tỉ lệ khá lớn trong tác phẩm. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu thông tin ngắn gọn, nhanh nhạy của người đọc, kích thước phóng sự bó lại, phóng sự chỉ chọn, phản ảnh những sự kiện, con người điển hình nhất, có ý nghĩa khái quát nhất nên không có điều kiện xây dựng thành một cốt truyện hoàn chỉnh. Thậm chí có những phóng sự chỉ còn là sự tập hợp một hệ thống sự kiện dưới một chủ đề thống nhất nào đó”. 3. Kích thước phóng sự thu hẹp, đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh nhạy của người đọc hiện đại Theo dòng chảy của cuộc sống, một vài thể loại rời rạc của báo chí những năm đầu thế kỷ 20 đã được thay bằng một hệ thống gồm nhiều thể loại với chức năng, đặc trưng khác nhau. Sự phát triển về mặt thể loại của báo chí đã bó hẹp phạm vi đăng tải của phóng sự. Phóng sự thời kỳ đổi mới còn phải dành đất cho nhiều thể loại khác nên phạm vi sử dụng có hạn. Dung lượng phóng sự thu hẹp để đảm bảo diện tích dành cho thể loại trên trang báo. Phóng sự có xu hướng chú ý đến lượng thông tin đọng lại trong tác phẩm. Tăng cường lượng thông tin, tác giả phóng sự cố gắng vo chặtyếu tố nghệ thuật. Ngay cả trên báo chí văn học, các tác giả phóng sự cũng cố gắng để tăng cường lượng thông tin xác thựccó địa chỉvà cả chất lượng trítuệ và tính cập nhật của thông tin hơn là tập trung vào việc gọt giũa ngôn từ. Phóng sự có xu hướng giảm dần lượng từ ngữ, viết gọn hơn, cô đúc hơn. Viết ngắn là rất khó, ngắn nhưng hấp dẫn, thu hút người đọc là cả một nghệ thuật. Theo nhà báo Phan Quang, Trong thời đại ngày nay, khi mà quỹ thời gian của mọi người có vẻ như đang co lại thì không gì lãng phí hơn là sự lạm dụng thời gian của người tiếp nhận thông tin. Sự “phô diễn”chữ nghĩa đôi khi trở nên lố bịch và lạc hậu”. 4. Tính chiến đấu cao với ngôn ngữ, giọng điệu nặng tính tân văn, gây sốc, tạo hiệu ứng mạnh. Hiệu ứng xã hội chính là điểm nổi rõ nhất, nó làm cho phóng sự giai đoạn này có sức mạnh, có quyền uy và có sức lay chuyển xã hội Xã hội Việt Nam thời mở cửa với nhiều nảy sinh phức tạp là chất xúc tác, kích thích quá trình phản ứng của phóng sự. Phóng sự thật sự được khoác một chiếc áo mới, trên đó có nhiều đường nét, góc cạnh được biến tấu khá tài tình bởi tài năng của người cầm bút. Có hơn 50% phóng sự hướng đến vấn đề tiêu cực và tệ nạn xã hội - những vấn đề nhức nhối mà công chúng quan tâm. Phóng sự luôn xuất hiện trong bản hợp tấu chính trị của báo chí, thấm nhuần tinh thần chung của báo chí là tính chiến đấu, nổi bật ở ngôn ngữ giọng điệu trực diện, nhiều khi mạnh bạo, căng thẳng, quyết liệt, là thứ ngôn ngữ văn phong gây sốc, tạo hiệu ứng mạnh. Ngôn ngữ nhân vật thường được sử dụng ở hai dạng chính. Dạng thứ nhất, nhân vật trực tiếp phát ngôn với tư cách là người trần thuật hoặc phát ngôn khi cùng đối thoại với tác giả. Dạng thứ hai, ngôn ngữ nhân vật xuất hiện gián tiếp thông qua lời tác giả. Ở dạng này, nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc không nói thay lời nhân vật, không sáng tác lời nhân chứng. Nhà báo có nhiệm vụ trích dẫn nguyên vẹn phát ngôn của nhân vật đúng với tinh thần của nó. Dạng ngôn ngữ này có thể gặp ở nhiều phóng sự như: Hành trình đến xứ sở Hansen (Huỳnh Dũng Nhân), Hành trình giải oan (Nguyễn Chính), Chuyện về những hồn ma ở Trường Sơn (Xuân Ba)..
Tóm lại:
Sự “thư giãn” phần nào của thời bình đã cho phép phóng sự được gia cố kĩ hơn. Tốc độ dòng trần thuật đã không còn bị câu thúc bởi thời gian, không gian sự kiện, kể được đan xen với tả, chân dung nhân vật cơ bản được khắc họa thêm phần sắc nét.

II. Giai đoạn 1930 – 1945:

Là giai đoạn sơ khai của phóng sự Việt Nam, mở đầu với loạt bài phóng sự Tôi kéo xe của tác giả Tam Lang - Vũ Đình Chí. Phóng sự Việt Nam đã nở rộ cả một cao trào phóng sự khắp trong Nam ngoài Bắc. Chỉ trong vòng mươi năm các nhà văn, nhà báo đã liên tiếp trình làng một khối lượng tác phẩm phóng sự đồ sộ: Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Một huyện ăn tết của Vũ Trọng Phụng; Tập án cái đình, Việc làng của Ngô Tất Tố; Ngoại ô, Ngõ hẻm, Thanh niên trụy lạc của Nguyễn Đình Lạp, Trước vành móng ngựa của Hoàng Đạo; Hà Nội lầm than, Làm tiền, Làm dân… của Trọng lang, Tôi làm xiếc của Tạ Hữu Thiện; Phù du và nhan sắc của Lãng Tử; Hầu Thánh của Lộng Chương…
"Theo tập hợp của các tác giả Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Sơn qua ba tập sách Phóng sự Việt Nam 1932-1945 xuất bản năm 2000 thì chỉ riêng thời kỳ này đã có sự góp mặt của 63 tác giả với hơn 120 tác phẩm phóng sự” tiêu biểu. Mà có thể đây chưa phải là con số chính xác về diện mạo phóng sự Việt Nam 30-45 vì như nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng đã bầy tỏ: “Một phần do sự mai một của nhiều tờ báo, sự thất lạc của nhiều tác phẩm, một phần do nhiều năm trước chúng ta còn có những cách nhìn nhận đánh giá khác nhau về một số tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm viết về những mặt trái, những tệ nạn xã hội… Cho nên, những thành tựu của phóng sự chưa được giới thiệu hết”. Dẫu vậy, với những gì lịch sử đã lưu giữ lại được về phóng sự thời kỳ này, không thể không thừa nhận rằng: chưa bao giờ trong lịch sử văn học Việt Nam trước 1930 lại có một thời đại phóng sự hoành tráng và rực rỡ đến thế.
Ông vua phóng sự đất Bắc kỳ:
Những thiên phóng sự hay và những tiểu thuyết kiệt tác đã đưa Vũ Trọng Phụng lên hàng “chiếu nhất” thuộc hai lĩnh vực tiểu thuyết và phóng sự. Đối với ông, tuy sự tôn vinh thuộc hai thể tài riêng, nhưng nếu không có “ông vua phóng sự” thì cũng khó lòng có “tiểu thuyết gia trác tuyệt” Vũ Trọng Phụng, vì “trác tuyệt” của ông so với các nhà tiểu thuyết Việt Nam hiện đại là ở thể tiểu thuyết phóng sự.
Vũ Trọng Phụng viết 7 thiên phóng sự và 7 cuốn tiểu thuyết. Riêng về tiểu thuyết, theo trình tự thời gian được viết như sau: Dứt tình (năm 1934); Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Làm đĩ (năm 1936); Lấy nhau vì tình (năm 1937) và Trúng số độc đắc (năm 1938).
Có thể nói, trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đều ít nhiều có chứa cái “giọng” phóng sự. Ở đây chúng tôi chỉ xin khảo sát ba tác phẩm Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê vì thấy trong những tác phẩm này cái “giọng” phóng sự diễn ra thường xuyên, rõ rệt, trở thành cái chất khá đậm đà trong tác phẩm.
Giông tố phản ánh những biến động dữ dội như những cơn lốc xoáy, gây ra nhiều nghịch cảnh, nhiều sự đảo lộn từ trong tế bào gia đình đến toàn xã hội, sự tàn bạo, phản động của bọn thuộc địa chủ quan lại mại bản; sự hoạt động của nhà cách mạng quốc tế cộng sản Đông phương ở Mốtxcu, về nước hợp nhất Đảng, rồi bí mật xuất dương dự Hội nghị đỏ Viễn Đông.
Tất cả những sự kiện, biến cố như thế được đặt trên cái “phông” lịch sử là thời kỳ Mặt trận bình dân khoảng từ 1936 đến 1939. Trong tác phẩm xuất hiện những từ như “óc bình dân”, “hạng bình dân”, “xã hội bình dân”. Nhân vật tri huyện Cúc Lâm khoe với Nghị Hách (thực ra là ngầm ý đe doạ) : “... quan thầy của tôi trong Đảng xã hội, nay mai mà có sang nhận chức Toàn quyền thì tôi sẽ lại làm quan cũng chưa muộn” (ở đây chỉ Đảng xã hội của Léon Blum, đứng đầu Chính phủ Mặt trận bình dân ở Pháp năm 1936).
Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, đồng thời là một nhà báo. Đúng là nghề làm báo buộc ông phải gắn bó với thời thế, phải cập nhật những vấn đề chính trị, xã hội theo cách nhìn riêng của mình. Chính vì vậy mà các tác phẩm “Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê hệt như những cuốn phim thời sự, đương thời ít có cuốn tiểu thuyết nào lại gần với không khí chính trị của thời đại như thế”.
Chất phóng sự trong bộ ba tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng không chỉ biểu hiện bằng việc phản ánh những “việc thực” như trên, mà còn ở chỗ nhiều nhân vật được dư luận “phát hiện” ra đó là những “người thật” có nguyên mẫu bằng xương, bằng thịt ngoài đời. Chẳng hạn, khi bàn đến nhân vật bà Phó Đoan trong Số đỏ, nhiều người đã liên hệ đến “bà” Bé Tý, có chồng Tây tên Betty để lại cho một gia tài lớn, dinh cơ của mụ ở sát ngay nhà Vũ Trọng Phụng. Mụ mẹ Tây nhố nhăng này lại còn được “Nhà nước bảo hộ” tặng thuởng bội tinh và mụ thích được phỉnh là “bà chúa Hàng Bạc”. Hoặc trước đó không lâu một ả tên là “cô Tư Hồng” nổi tiếng về hành vi lẳng lơ, dâm đãng. Do luận đương thời luôn đàm tiếu, phỉ nhổ vào mụ đàn bà “nổi danh” ấy. Đương thời, có một lão nghị viên khét tiếng tên là Nguyễn Hữu C. Hắn vốn nổi tiếng là gã vô học, bất lương và gian dâm, phất lên thành bậc “phú gia địch quốc” nhờ vào những thủ đoạn lưu manh, độc ác, tàn nhẫn... Đọc Giông tố, nhiều người thấy cái chân dung lem luốc của nhân vật Nghị Hách có nhiều điểm “đồng dạng” với cái lý lịch bất hảo của gã Nghị C nọ...
Người đọc lại nhận thấy chất phóng sự trong Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê ở lối văn báo chí, lối văn tư liệu. Trong tiểu thuyết mà có những chỗ, tác giả như trích nguyên lại một mẩu tin từ một tờ nhật báo đương thời:
THỜI SỰ CÁC TỈNH
Phải chăng là một vụ cưỡng dâm?
Cúc Lâm (tin điện thoại) – Quan huyện
Cúc Lâm mới đây có chấp một lá đơn
của một ông đồ ở làng Quỳnh Thông,
kiện một nhà tai to mặt lớn kia, về tội
cưỡng dâm con gái ông ta...”
Và có khi tác giả cho nhân vật này lật tẩy hành tung của nhân vật kia bằng một “trích đoạn lý lịch” như lấy ở hồ sơ của toà án:
“Năm Tân Hợi tức là năm 1911, quan bác phạm tội thông dâm vợ người. Năm Quý Sửu (...) Đến năm Kỷ Mùi, tức là năm 1919, năm quan bác đúng ba mươi tuổi (...) Lại đến năm Nhâm Tuất thì quan bác giết người...”
Lối văn báo chí, tư liệu và những con số chính xác như vậy xuất hiện khá nhiều trong cả ba tác phẩm.
Trên đây chúng tôi đã điểm một vài biểu hiện của chất phóng sự trong bộ ba tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng. Sự năng động, xông xáo, tốc tả của ngòi bút phóng sự đã giúp cho nhà văn bao quát hiện thực ở một qui mô rộng lớn. Rõ ràng cao trào Mặt trận dân chủ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm quan của Vũ Trọng Phụng, hướng ngòi bút của ông vào những vấn đề thời sự chính trị, xã hội nóng bỏng để phản ánh và sáng tạo nên những tác phẩm này có sức tố cáo mạnh mẽ và tính chiến đấu rõ rệt.
Chính cái chất thời sự, (tính “người thực, việc thực”, lối văn tư liệu, báo chí...) đã khiến cho không ít người đồng ý với nhận định rằng nhiều tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng “chỉ là những thiên phóng sự được tiểu thuyết hoá”
Các tư liệu mang chất phóng sự đi vào tác phẩm đã được xử lý một cách nghệ thuật, được sắp đặt đúng vị trí khiến chúng trở thành những yếu tố hữu cơ của chỉnh thể nghệ thuật, ta có thể thấy những sự kiện thời sự, những tư liệu được “đóng đinh” bằng những con số năm, tháng cụ thể đều được tác giả khéo léo cài lồng vào các biến cố của cốt truyện.
Chất phóng sự còn đóng vai trò chi phối, góp phần hình thành những đặc điểm riêng trong thi pháp tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong các tiểu thuyết của ông, thời gian sự kiện luôn khẩn trương, dồn dập, hối hả; sự kiện này chưa qua, sự kiện kia đã ập đến. Sự dồn nén sự kiện trong một khoảng thời gian ngắn đã gây nên sự gấp gáp về thời gian nghệ thuật. Vì vậy, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng ngoài sự chịu đựng những đảo lộn bất ngờ, quay cuồng trong cơn lốc còn bị khống chế bởi sự câu thúc nghiệt ngã về thời gian của nhịp sống đương đại. Chúng thường hối hả, khẩn trương, di chuyển với tốc độ nhanh, hành vi luôn hấp tấp, vội vàng; tâm trạng đầy lo âu, căng thẳng: Phú (trong Vỡ đê) lúc thì lo lắng, lúc thì sốt ruột; Xuân Tóc Đỏ (trong Số đỏ) thường liến láu, vội vã như thằng ăn cắp; Nghị Hách (trong Giông Tố) hay có những “pha” phóng xe phăng phăng, hết tốc lực ...
Sự hiện diện và hiệu quả nghệ thuật của chất phóng sự còn diễn ra ở nhiều phương diện khác của tác phẩm tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Những khám phá bước đầu này góp phần xác định đặc điểm thể Tiểu thuyết phóng sự một sự sáng tạo có ý nghĩa to lớn của ông đối với tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Sáu mươi năm đã qua, kể từ ngày Vũ Trọng Phụng vĩnh biệt cuộc sống, nhưng những thiên phóng sự của ông vua ấy vẫn cùng tên tuổi ông sống mãi, bất tử giữa dòng đời vô tận hôm nay.

III. Giai đoạn 1945 – 1975:

Ba mươi năm chiến tranh (1945-1975) phóng sự với đúng nghĩa là một thể loại dân chủ, có khả năng đặc biệt trong việc phanh phui, mổ xẻ những thực tại xã hội nhức nhối, cập nhật hầu như đã không còn cơ hội phát triển. Cả về qui mô lẫn chất lượng đều có phần giản đơn. Nó hiện hữu dưới dạng những ghi chép, tường thuật, kể việc… trong khuôn khổ hoạt động thông tin báo chí thông thường cho phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của quảng đại quần chúng khi ấy nên không có được những tầm vóc đáng kể.
Trên các báo lớn thời kì này lẻ tẻ vẫn có những phóng sự phản ánh cuộc đấu tranh chống giặc bắt lính trong các vùng tạm chiếm, lên án tội ác của giặc, ca ngợi những tấm gương quên mình vì đồng đội… nhưng hầu như không mấy để lại ấn tượng về thể loại. Ngay cả Thép Mới vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp có những phóng sự chiến tranh khá đặc sắc như: Pháo binh trẻ tuổi của ta, Dân công hỏa tuyến, Giờ phút cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ… song lúc đó ít ai xem đây là những tác phẩm phóng sự với đúng nghĩa của nó. Rõ ràng thời đại đã tạo ra những thăng trầm của thể loại. Sở dĩ phóng sự có vẻ mờ chìm đi trước sự phát triển rực rỡ của kí sự chống Pháp là bởi trước hết kí sự là thể loại có khả năng co dãn dung lượng rất linh hoạt để có thể phù hợp với qui mô của mọi loại đối tượng phản ánh trong hiện thực
Trước những sự kiện dồn dập của cuộc chiến, hình thức kí sự giúp cho người cầm bút chớp lấy cơ hội ghi lại tối đa các biến cố, không cần sự lắng đọng bình bàn, suy tưởng, ngẫm ngợi như tùy bút hay bút kí, hoặc dụng công tổ chức sự kiện, nhân vật trong các mối quan hệ vi mô phức tạp như truyện kí. Ngoài ra kí sự còn có khả năng dung chứa hiện thực trong mọi chiều kích lớn-bé, rộng-hẹp ở mọi sắc thái ngổn ngang bộn bề của nó. Người viết chỉ cần ghi đúng, ghi đủ, ghi được nhiều điều xác thực không cần phải có những cốt truyện chặt chẽ hay những dụng công khác về nghệ thuật. Đấy là chưa kể trong thời kì kháng chiến chống Pháp, các phương tiện kĩ thuật ghi hình, ghi âm hiện đại còn rất thiếu thốn. Kí sự hoặc ghi chép vì thế là hình thức căn bản và thích hợp để ghi lại một cách khách quan, sinh động về mọi mặt hoạt động của quân và dân ta lúc bấy giờ. Vì những lẽ đó, nếu từ đỉnh cao của kí sự mà soi chiếu thì phóng sự thời kì này ắt hẳn không thể có được tầm vóc bề thế như thời hoàng kim 1930-1945. Song thực chất điều đó không có nghĩa là phóng sự không còn tồn tại. Nói như tác giả Đức Dũng thì phóng sự thời kỳ này chỉ “xuất hiện không thường xuyên, đề tài chưa đa dạng… thể loại còn nhiều lẫn lộn pha tạp” mà thôi.
Đến thời kì kháng chiến chống Mĩ, phóng sự khởi sắc ngay trong bối cảnh nhạy cảm sau 1954, khi hòa bình lập lại chưa được bao lâu, Bắc – Nam lại bị chia cắt, con người phải đối diện với những trận tuyến mới, không kém phần dữ dội. Trước những sự thật bị man trá ấy, phóng sự không thể đứng ngoài cuộc, nhiều tác phẩm đã xuất hiện kịp thời vạch trần âm mưu và tội ác của bè lũ bán nước và cướp nước. Thiên phóng sự điều tra Trại di cư Pa Gốt ở Hải Phòng của tác giả Sao Mai là một ví dụ. Với tư cách một nhân chứng công tâm, người viết đã tái hiện hết sức sống động và đầy đủ những thảm trạng mà kẻ địch đã gây nên cho các tầng lớp Giáo dân. Có thể nói trong tác phẩm của Sao Mai, thiên chức mổ xẻ, phanh phui và điều trần về sự thật của phóng sự lại có dịp được phát huy triệt để. Điều này chứng tỏ rằng mỗi khi hoàn cảnh xã hội có vấn đề, phóng sự vẫn hoàn toàn có thể dời khỏi hậu trường, vươn lên phía trước để làm tròn sứ mệnh đấu tranh bảo vệ công lí của mình.
Tuy nhiên, không bao lâu sau cái khoẳnh khắc bừng dậy đó, phóng sự thời kì chống Mĩ trở lại vị trí khiêm nhường trong dòng chảy của nền văn học anh hùng ca. Bên cạnh mảng đề tài đấu tranh thống nhất Tổ quốc, phóng sự thời kì này đã có thêm một mảng đề tài mới về xây dựng CNXH ở miền Bắc. Về cơ bản, phóng sự vẫn mang hình thức của những ghi nhanh, tường thuật với dung lượng ngắn gọn để đủ đăng trong một kì báo, nhằm động viên, cổ vũ kịp thời. Mặc dù thời kì này đã xuất hiện một số cây bút phóng sự mang bản sắc riêng như Đỗ Quảng, Thép Mới, Thanh Châu, Lê Điền, Trần Minh Tân…, song trước vị thế áp đảo của một số loại kí khác như tùy bút, bút kí, đặc biệt là truyện kí, phóng sự vẫn không vươn tới được vai trò chủ công. Hàng loạt những tác phẩm gây tiếng vang như: Bức thư Cà Mau của Bùi Đức Ái, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Trên quê hương anh hùng Điện Ngọc của Nguyễn Trung Thành, Sống như Anh của Trần Đình Vân, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải… đã chứng tỏ thời chống Mĩ là thời thăng hoa của truyện kí.
Điểm qua về diện mạo của kí Việt Nam 1945-1975 có thể nhận thấy trong sự thăng hoa chung của một số thể loại thì phóng sự với đầy đủ những phẩm chất của nó lại dường như có vẻ mờ chìm. Về điều này, nhà nghiên cứu Lã Nguyên đã từng khẳng định rằng: “Phóng sự - thể loại từng phát triển mạnh mẽ trước cách mạng, nay bỗng thiếu vắng trên văn đàn”. Gần đây trong cuốn sách mới nhất của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long cũng chung một nhận xét: “Trong 2 cuộc kháng chiến thiếu vắng thể loại phóng sự vốn rất phát triển trong giai đoạn 1930-1945”
Cố nhiên sự thiếu vắng mà các nhà nghiên cứu nói ở đây chỉ là sự thiếu vắng những tác gia, tác phẩm có tầm vóc đáng kể, mang đậm các phẩm chất đặc trưng phóng sự chứ không phải là sự triệt tiêu, mất hút của thể loại này
Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức, một người dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực kí cũng đã nhận định: “Trong những năm kháng chiến, nhiều thiên phóng sự từ mặt trận gửi về còn nóng hổi hơi lửa thời sự. Phóng sự mặt trận theo sát diễn biến của chiến dịch qua từng bước thắng lợi, từng mũi tiến quân, kịp thời thông báo những tin tức, câu chuyện và những tấm gương trong chiến đấu”.
Như vậy, ở một chừng mức nào đó có thể coi thời 1945-1975 phóng sự Việt Nam vẫn tồn tại nhưng là sự tồn tại trong những hình thức mới tuy giản đơn hơn song vẫn có sắc diện riêng biệt của nó. Để phụng sự nhiệm vụ chính trị lớn lao giải phóng dân tộc, phóng sự đã phải tự gọt rũa, cưa cắt đi cái tư chất phản tỉnh thực tại mạnh mẽ vốn có của mình để hóa thân vào các thể kí khác trong cái nhìn định hướng một chiều của thời đại. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, số phận dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, yêu cầu tự điều chỉnh ý thức sáng tạo sao cho thích ứng với khuôn thước lí tưởng chính trị chung của cả cộng đồng là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Điều này không hề nói lên tính chất thụt lùi hay xuống cấp về chất lượng của phóng sự. Đó là cả một sự nỗ lực từ trong ý thức của người cầm bút nhằm hướng tới kiếm tìm những khả năng phản ánh thích ứng với thời cuộc một cách tốt nhất. Cho nên dẫu chưa có được sự bề thế như giai đoạn trước đó, song phóng sự 1945-1975 cũng đã góp phần tích cực vào việc ghi lại những sự kiện sục sôi đáng nhớ về một thời bom đạn chiến tranh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân ta. Nói cách khác phóng sự thời kì này đã góp thêm vào lịch sử văn học Việt Nam và phóng sự Việt Nam một hình thức phóng sự mới, đã từng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, đó là phóng sự viết về chiến tranh giải phóng dân tộc.

Có thể nói trong vòng hơn nửa thế kỉ sinh thành và phát triển, phóng sự Việt Nam đã thực sự tạo nên những biến thái bất ngờ. Sau sự khởi đầu viên mãn, phóng sự đi qua hai cuộc chiến tranh như một dòng chảy ngầm bền bỉ và dai dẳng. Có những lúc tưởng chừng thể loại này bị mờ chìm và mất hút trong dàn hợp ca của các thể loại có ưu thế cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của quân và dân ta. Song những dấu hiệu phục sinh mạnh mẽ vào thời kì tiền đổi mới cho thấy phóng sự như một thể loại dã sinh, có khả năng tồn tại theo những lối riêng, thích ứng với mọi hoàn cảnh lịch sử xã hội. Cả sự thăng hoa lẫn chìm lắng đều mang những dấu ấn đặc thù của thể loại văn học - báo chí quan trọng này.

Danh sách nhóm
1. TRƯƠNG HỒNG NHUNG
2. ĐOÀN ĐẠI VIỆT
3. LÊ THỊ THƯ
4. VÕ VĂN TÂN
5. NGUYỄN THÀNH LUÂN
6. TĂNG VĂN THƯƠNG
7. BÙI NGUYỄN THÙY LINH
8. PHAN VĂN TỈNH
9. LƯ THÁI HÙNG

[/url]
Về Đầu Trang Go down
http://09bc.roll.tv
 
Thể Loại Phóng Sự ( CÁI TÔI TRẦN THUẬT QUA CÁC THỜI KỲ)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» PHÓNG SỰ VIỆT THỜI ĐỔI MỚI
» Thể loại báo chí phát thanh
»  Loài rùa quý hiếm nhất thế giới RÙA HỒ GƯƠM
» Mùa hè xanh 2010 - Mặt trận KIÊN GIANG - Trường CAo dẳng Phát thanh - Truyền hình II - Về miền tây...
» TIẾC MỤC VIDEO : THỜI TRANG & BÁO CHÍ

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
......::::::: DIỄN ĐÀN LỚP 11LTBC - RTC2-VOV:::::::.......... :: Thông Báo của Diễn Đàn :: Tài Liệu Báo Chí-
Chuyển đến