......::::::: DIỄN ĐÀN LỚP 11LTBC - RTC2-VOV:::::::..........
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

......::::::: DIỄN ĐÀN LỚP 11LTBC - RTC2-VOV:::::::..........

.........::::::ĐOÀN KẾT-TỰ TIN-CHIỀN THẮNG:::::::.........
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 PHÓNG SỰ VIỆT THỜI ĐỔI MỚI

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 52
Join date : 16/08/2010
Age : 35
Đến từ : Bến Tre xứ dừa

PHÓNG SỰ VIỆT THỜI ĐỔI MỚI Empty
Bài gửiTiêu đề: PHÓNG SỰ VIỆT THỜI ĐỔI MỚI   PHÓNG SỰ VIỆT THỜI ĐỔI MỚI I_icon_minitimeMon Sep 06, 2010 8:02 am

[url]

"Phóng sự tất nhiên cũng phải đổi mới trong một xã hội thời đổi mới. Nét khác biệt của phóng sự Việt Nam giai đoạn này là sự mở rộng đến vô cùng của đề tài, dường như không còn vùng cấm kỵ. Chất truyện nhạt dần, tăng tính thời sự- thời đại (một đặc trưng cơ bản của phóng sự), kích thước và dung lượng, cấu trúc ngôn từ được thu gọn hơn, thi pháp mới mẻ, độc đáo. Và, hiệu ứng xã hội chính là điểm nổi rõ nhất, nó làm cho phóng sự giai đoạn này có sức mạnh, có quyền uy và có sức lay chuyển xã hội".  

PHÓNG SỰ VIỆT THỜI ĐỔI MỚI HIỆN NAY  

(trích lược) 

  •      Thạc sĩ CAO XUÂN PHƯỢNG 

          Bàn về đặc trưng của ký, nhà văn Tô Hoài đặc biệt nhấn mạnh tính không ổn định của thể loại.Ký cũng như truyện ngắn, truyện dài hay thơ, hình thù đấy nhưng vóc dáng nó luôn đổi mới đòi hỏi sáng tạo và thích ứng”. Là tiểu loại của ký, phóng sự không nằm ngoài qui luật này. Phóng sự luôn tồn tại trong trạng thái vận động, luôn tự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, phóng sự từ sau 1986 đến nay đã mở ra nhiều hướng tìm tòi trong tiếp nhận và thể hiện, thật sự đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của người đọc hiện đại. Tìm hiểu phóng sự văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, có thể thấy một số chuyển biến sau: 

      1. Đề tài được mở rộng đến vô cùng, dường như không còn vùng cấm kỵ

          Đại hội Đảng lần thứ VI với xu hướng dân chủ hóa như một lực đẩy cần thiết để cánh cửa phóng sự mở ra, tiếp giáp với tất cả các chân trời hiện thực. Đề tài phóng sự được mở rộng đến vô cùng, dường như không còn vùng cấm kị. Nhiều vấn đề một thời người ta ngại nói đến, nay được phóng sự xốc dậy, mổ xẻ và nghiền ngẫm, để rồi đưa ra những lời giải đáp đôi khi trần trụi đến lạnh lùng.

          Đề tài chiến tranh tiếp tục được khai thác, vẫn là mảnh đất đầy tiềm năng của phóng sự. Tuy nhiên, nếu trước đây ống kính phóng sự được đặt ở vị trí cận cảnh, để ghi lại những thước phim sinh động, hoành tráng về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; thì thời kỳ này chiến tranh được nhìn từ một vị trí khác. Sự khốc liệt của cuộc chiến hôm qua được nhìn từ số phận người lính trở về sau chiến tranh và những mất mát lặng thầm của những người ở lại. Nhiều nhà báo đã thử sức ở đề tài này, song thành công và ấn tượng nhất là những trang viết giàu cảm xúc của Minh Chuyên. Dưới cái nhìn của Minh Chuyên, chiến tranh là số phận người lính trở về với thân hình dị dạng và di chứng của sự mất trí, có người lang bạt gần hết cuộc đời vẫn không tìm được lối về quê cũ. Chiến tranh hằn lên trong số phận những nữ thanh niên xung phong với nỗi khắc khoải, đợi chờ hạnh phúc, với mong ước về một mái ấm bình dị. Dấu tích chiến tranh đọng lại trong đôi mắt mòn mỏi đợi chờ của những người vợ, người mẹ. Đặc biệt, chiến tranh hiện lên qua số phận “người lính - những người hát bè trầm trong dàn hợp xướng hào hùng của dân tộc ở thời kỳ chống Mỹ. Giờ đây giữa đời thường, họ đang trải qua những nỗi đau trần thế, những bi kịch xót xa bất ngờ đến kinh hoàng1 bởi sự tàn phá của chất độc màu da cam.

          Mỗi cuộc đời là một tấn bi kịch. Số phận người lính thời hậu chiến vẫn trở đi, trở lại trong phóng sự, là những bảo tàng sống động về tội ác chiến tranh, đem lại cho người đọc những hiểu biết về một sự thật lớn lao và khủng khiếp.

          Hòa bình cũng là lúc con người có thời gian để suy ngẫm và nhìn ngắm lại mình. Va chạm với nhiều mâu thuẫn nảy sinh sau chiến tranh, con người xuất hiện với tất cả các mối quan hệ phức tạp vốn có. Đề tài đời tư phát triển như một quy luật tất yếu. Cuộc sống đời thường với sự “ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ và màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ” (Nguyễn Khải) là mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu để phóng sự khai phá. Ngòi bút phóng sự tung hoành khắp mọi ngả đường, song các ngả đường ấy giao nhau tại một điểm: Đó là số phận con người. Hơn bao giờ hết, số phận con người được đặt ra như một yêu cầu bức bách và được soi rọi từ nhiều phía. Con người thuộc mọi giai tầng, quan chức có, thường dân có, nông thôn có, thị thành có, giàu nghèo đủ cả,... không ai giống ai, mỗi người một cảnh ngộ. Ở đây là những số phận oan khuất, với những cuộc hành trình dằng dặc trên con đường đi tìm công lý; là khát vọng hòa nhập cộng đồng, là nỗi mong mỏi được thông cảm, xẻ chia của những con người đang vật lộn với AIDS và trực khuẩn Hansen. Đằng kia là những cuộc đời eo sèo, lam lũ; là số phận những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, nếu có một điều ước duy nhất chỉ mơ ước có mẹ, có cha…

          Những bi cảnh, những số phận thương tâm cứ diễu qua ống kính phóng sự. Đôi lúc, phóng sự dẫn người đọc đến với những bất ngờ đầy thú vị. Ngòi bút tìm tòi của phóng sự sục vào những góc khuất tối tăm để gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh. Họ là những con người bình thường đang lăn lộn giữa những cái nghề không bình thường: Nghề trông coi nhà xác, nghề giữ nghĩa trang, nghề giám thị coi ngục, nghề giám định pháp y... Ngòi bút phóng sự xoáy sâu vào những nghịch lý mà ở thời điểm này khó có thể chấp nhận. 

           Tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm, tham nhũng vốn là đề tài quen thuộc của phóng sự trước 1945; ở giai đoạn này cũng được xem là những vấn đề thời sự, là khối u mà phóng sự đang tìm cách giải phẫu. Tuy nhiên, những khối u ấy, qua ống kính phóng sự, về triệu chứng lâm sàng có nhiều thay đổi. Cờ bạc được nhìn nhận như một nguyên nhân làm tăng tốc độ tham nhũng, ma túy, mại dâm. Mại dâm - một phương thức kinh doanh siêu lợi nhuận, là con đường dẫn đến sự tha hóa nhân cách, là nguy cơ làm ô nhiễm bầu “không khí” trong lành và thuần khiết của nông thôn, là nguyên nhân của mọi sứt mẻ, rạn nứt trong quan hệ gia đình. Ma túy không ngoại trừ ai, từ miền ngược đến miền xuôi, từ những đứa trẻ vừa mới lọt lòng đến cụ già luống tuổi, từ những người thiếu hiểu biết đến cả sinh viên, học sinh, công an, viên chức, nhà phật học,… tất cả đều có thể rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của ma tuý. Đồng nghĩa với tội ác, ma túy không chỉ là nỗi đau của gia đình, mà còn là gánh nặng của xã hội. Đặc biệt là tệ nạn tham nhũng - một vấn đề cũ, song cũng có thể xem là mới. Cái mới là vấn đề được tiếp cận và phản ảnh ở thế trực tiếp, trên tinh thần tự do dân chủ. Không cỏn con như kiểu tham nhũng trong Một huyện ăn tết (Vũ Trọng Phụng), tham nhũng thời mở cửa có khác, thông thoáng, tinh vi, xảo trá và... lạnh lùng hơn, tất cả cuốn lấy nhau trên một hệ thống dây chuyền khá qui mô và chuẩn xác. Tấn công tệ nạn tham nhũng, ngòi bút phóng sự thật cứng rắn khi chĩa mũi nhọn vào sự tha hóa, biến chất của một số quan chức, vào những vụ việc có liên quan dây chuyền đến nhiều mối quan hệ, nhiều cơ quan nhà nước.

          Sự thay đổi chủ đề, đề tài của một thể loại bao giờ cũng bắt nguồn từ sự thay đổi hiện thực xã hội, từ nhu cầu tiếp nhận của người đọc, từ nhu cầu phát triển nội tại của của bản thân thể loại. Và cuối cùng là từ ý thức nghệ thuật của chủ thể sáng tạo trước bước ngoặt chuyển mình của cuộc sống. Với ý nghĩa ấy, sự vận động của đề tài phóng sự thời kỳ đổi mới đã diễn biến hợp qui luật và thật sự đóng góp không nhỏ đối với tiến trình phát triển của thể loại.

          2. Chất truyện nhạt dần, đưa phóng sự trở về đúng với đặc trưng thể loại

               Đặc trưng quan trọng của phóng sự là “sự hợp nhất truyện và nghiên cứu”. Phóng sự 1932-1945, với sự xâm nhập của nghệ thuật tiểu thuyết, yếu tố truyện đậm đặc trong từng tác phẩm. Theo tiến trình phát triển của phóng sự, tư duy nghiên cứu lấn dần sang địa phận của tư duy tiểu thuyết để kịp thời cung cấp những tri thức, những thông tin cần thiết nhằm thoả mãn nhu cầu nhận thức của người đọc hiện đại. Chất truyện trong phóng sự thời kỳ đổi mới chủ yếu đọng lại ở “văn của người viết, với ngôn ngữ giàu hình ảnh, nghệ thuật hư cấu và cái tôi nhân chứng, khách quan giàu cảm xúc ... Hai yếu tố cơ bản tạo nên chất truyện là cốt truyện và nghệ thuật xây dựng nhân vật dường như nhạt dần trong phóng sự thời kỳ này.

          Lấy số phận con người làm nguồn cảm hứng sáng tạo, phóng sự sau 1986 đặc biệt giao thoa với thể loại ký chân dung. Nhiều phóng sự có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai thể loại. Nhiều chân dung con người xuất hiện trong phóng sự. Tuy nhiên, nếu cuộc đời con người trong phóng sự 1932-1945 được phản ảnh trọn vẹn từ nguồn cội cho đến các diễn biến tính cách, các mối quan hệ, thì trong phóng sự sau 1986, con người “chỉ được phác hoạ ở những nét đặc trưng mang đậm dấu ấn của bút pháp đặc tả4. Bị chi phối bởi yêu cầu thông tin thời sự, phóng sự không có điều kiện xây dựng nhân vật hoàn chỉnh như nhân vật của truyện ngắn và tiểu thuyết. Nghĩa là phóng sự không có điều kiện đi sâu vào thế giới nội tâm, khắc hoạ tính cách nhân vật. Con người trong phóng sự là con người của hành động. Hành  động  được  coi là sự thể hiện sinh động của tính cách.

           Ở nhiều phóng sự, nhân vật xuất hiện bằng vài nét bút phác họa. Có khi một đoạn đường đời dằng dặc của nhân vật chỉ được tác giả tóm tắt trong hơn 10 dòng. 10 dòng ấy dùng để ghi lại những biến cố, những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Còn những diễn biến tính cách và đời sống nội tâm  được ống kính phóng sự lướt qua. Đây là một trong những nguyên tắc phản ánh của phóng sự sau 1986.

          Sự đổi mới nghệ thuật xây dựng nhân vật trong phóng sự góp phần hạn chế chất truyện, đưa phóng sự trở về với đúng đặc trưng thể loại. Tuy nhiên, để chứng minh cho một vấn đề nào đó cũng có một vài trường hợp, phóng sự đi sâu khai thác trọn vẹn số phận nhân vật, nhưng rất ít.

          Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Thế giới chủ quan là khuynh hướng, là thái độ thẩm định của tác giả đối với hiện thực. Nếu như tính khuynh hướng của tiểu thuyết “phải toát ra từ tình thế và hành động, thì ở phóng sự, tính khuynh hướng bộc lộ trực tiếp qua ngôn ngữ trữ tình và chính luận của cái tôi trần thuật. Đối với truyện ngắn và tiểu thuyết, yếu tố trữ tình và chính luận không phải là không có, song cách thể hiện không giống như ở phóng sự, ít bộc lộ trực tiếp mà thường thông qua ngôn ngữ nhân vật. Với phóng sự, quan điểm, tư tưởng, tình cảm của người viết có điều kiện bộc bạch trực diện và “bắt nguồn từ khuynh hướng công khai của nhân vật trần thuật5 cho nên chiếm tỉ lệ khá lớn trong tác phẩm. Đa số ở các phóng sự, nhu cầu chính luận và trữ tình của chủ thể trần thuật cần thiết đến mức phá vỡ khả năng tổ chức cốt truyện của chất liệu hiện thực. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu thông tin ngắn gọn, nhanh nhạy của người đọc, kích thước phóng sự bó lại, phóng sự chỉ chọn, phản ảnh những sự kiện, con người điển hình nhất, có ý nghĩa khái quát nhất nên không có điều kiện xây dựng thành một cốt truyện hoàn chỉnh. Thậm chí có những phóng sự “chỉ còn là sự tập hợp một hệ thống sự kiện dưới một chủ đề thống nhất nào đó3 .

          Phóng sự thời kỳ đổi mới đa số không có cốt truyện, được xây dựng theo kiểu kết cấu liên tưởng có sự liên kết giữa sự kiện, số liệu, con người và cảm quan của tác giả. Sự kiện là chất liệu chính. Mỗi vấn đề gồm nhiều sự kiện độc lập. Tài năng của chủ thể trần thuật thể hiện ở khả năng nối kết các sự kiện và khả năng  khám phá ra hình thể và linh hồn” của sự kiện. Đặc điểm này góp phần làm mờ dần chất truyện, đưa phóng sự thời kỳ đổi mới trở về  đúng với đặc trưng thể loại.

 3. Kích thước phóng sự thu hẹp, đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh nhạy của người đọc hiện đại

          Theo dòng chảy của cuộc sống, báo chí không ngừng phát triển, phát triển về đội ngũ sáng tác cùng những yêu cầu về phẩm chất và tài năng, phát triển về nội dung phản ánh, về phương thức biểu hiện,đặc biệt là sự phát triển về mặt thể loại trên hai phương diện hệ thống và sự vân động nội tại của bản thân mỗi thể loại . Một vài thể loại rời rạc của báo chí những năm đầu TK XX đã được thay bằng một hệ thống gồm nhiều thể loại với chức năng, đặc trưng khác nhau. Sự phát triển về mặt thể loại của báo chí đã bó hẹp phạm vi đăng tải của phóng sự. Khác với phóng sự 1932-1945, có kết cấu hoành tráng như một tiểu thuyết, không giới hạn về kích thước, số lượng từ; phóng sự thời kỳ đổi mới còn phải dành đất cho nhiều thể loại khác nên phạm vi sử dụng có hạn. Dung lượng phóng sự thu hẹp để đảm bảo diện tích dành cho thể loại  trên trang báo.

          Mặt khác, thời kỳ đổi mới là thời kỳ của sự bùng nổ thông tin. Thông tin là món ăn tinh thần không thể thiếu của người đọc hiện đại. Đến với các phương tiện truyền thông, người đọc không ngoài mục đích là được tiếp cận với những nguồn thông tin quý giá về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đang diễn ra trên toàn cầu. Nhu cầu được hiểu dường như thật cấp thiết. Trước yêu cầu đó, cũng như các thể loại khác, phóng sự có xu hướng chú ý đến lượng thông tin đọng lại trong tác phẩm. Tăng cường lượng thông tin, tác giả phóng sự cố gắng “vo chặt yếu tố nghệ thuật. Màu sắc văn học nhạt dần so với phóng sự 1932-1945. Mức độ hư cấu, ngôn ngữ hình tượng, cái tôi thẩm mỹ,... trước đây được các nhà văn vận dụng khá phổ biến trong phóng sự, nay thưa thớt hẳn. “Ngay cả trên báo chí văn học, các tác giả phóng sự cũng cố gắng để tăng cường lượng thông tin xác thực có địa chỉ và cả chất lượng trí tuệ và tính cập nhật của thông tin hơn là tập trung vào việc gọt giũa ngôn từ 5. Phóng sự có xu hướng giảm dần lượng từ ngữ, viết gọn hơn, cô đúc hơn.

          Viết ngắn là rất khó, ngắn nhưng hấp dẫn, thu hút người đọc là cả một nghệ thuật. Giữa cơn lũ thông tin đa dạng, cuồn cuộn, nhà báo phải biết hướng ngòi bút vào những thông tin trọng tâm, nóng bỏng mà dư luận quan tâm và phản ánh nó bằng một ngôn ngữ ngắn gọn, hàm súc. Sự dài dòng không chỉ làm loãng thông tin, hạn chế hiệu quả tiếp nhận mà còn tiêu tốn thời gian của người đọc. Theo nhà báo Phan Quang, “Trong thời đại ngày nay, khi mà quỹ thời gian của mọi người có vẻ như đang co lại thì không gì lãng phí hơn là sự lạm dụng thời gian của  người tiếp nhận thông tin 6. Sự “phô diễn chữ nghĩa đôi khi trở nên lố bịch và lạc hậu.

          Đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh nhạy của người đọc hiện đại, kích thước phóng sự thời kỳ đổi mới vận động theo hướng giảm dần. Nếu phóng sự 1932-1945 phổ biến trên 10.000 từ, thì kích thước phóng sự thời kỳ này chỉ dao động từ 1.000 đến 5.000 từ, chủ yếu là dưới 5.000 từ.

          Tuy nhiên, xã hội Việt Nam thời mở cửa có nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi phải được chuyển tải bằng những tác phẩm dài hơi như: Tạ Đình Đề - huyền thoại và sự thật, Ông già ôm bảy kilôgam đơn từ của Xuân Ba, Hành trình giải oan của Nguyễn Chính. Song, tỉ lệ của dạng phóng sự này thấp hơn nhiều so với phóng sự 1932-1945.

          4. Tính chiến đấu cao với ngôn ngữ, giọng điệu nặng tính tân văn, gây   sốc, tạo hiệu ứng mạnh. Hiệu ứng xã hội chính là điểm nổi rõ nhất, nó làm cho phóng sự giai đoạn này có sức mạnh, có quyền uy và có sức lay chuyển xã hội

          Xã hội Việt Nam thời mở cửa với nhiều nảy sinh phức tạp là chất xúc tác, kích thích quá trình “phản ứng” của phóng sự. Phóng sự thật sự được khoác một chiếc áo mới, trên đó có nhiều đường nét, góc cạnh được biến tấu khá tài tình bởi tài năng của người cầm bút. Đề tài được mở rộng đến vô cùng. Trong đó, có hơn 50% phóng sự hướng đến vấn đề tiêu cực và tệ nạn xã hội - những vấn đề nhức nhối mà công chúng quan tâm. Mặt khác, là yếu tố nằm trong hệ thống có tính chất bền vững của một tờ báo, phóng sự luôn xuất hiện trong “bản hợp tấu chính trị” của báo chí, thấm nhuần tinh thần chung của báo chí là tính chiến đấu. Sự chế định khách quan đó đã đặt ra trước phóng sự những yêu cầu mới về mặt ngôn ngữ. Bên cạnh ngôn ngữ văn học uyển chuyển với đặc trưng thẩm mỹ cao, phóng sự sau 1986 nổi bật ở ngôn ngữ giọng điệu trực diện, nhiều khi mạnh bạo, căng thẳng, quyết liệt, là thứ ngôn ngữ văn phong gây “sốc”, tạo hiệu ứng mạnh.

          Để khẳng định tính khách quan của sự kiện, phóng sự sau 1986 thường có sự tham gia của ngôn ngữ nhân vật. Trong phóng sự, nhân vật mặc dù chỉ được khắc họa bằng bút pháp đặc tả, nhưng vẫn để lại ấn tượng khắc chạm trong tâm thức người đọc bởi đặc tính cá thể hoá của ngôn từ. Ngôn ngữ nhân vật có mặt với tư cách một cứ liệu sống. Khác với tiểu thuyết, ở phóng sự ngôn ngữ nhân vật chỉ xuất hiện khi thật cần thiết. Song, đó là những chứng lý quan trọng bởi nhân vật là chứng nhân trực tiếp liên quan đến sự kiện. Tần số xuất hiện của ngôn ngữ nhân vật chịu sự qui định của đối tượng mà phóng sự phản ánh. Ít  nhất là đôi ba lần, nhiều nhất là xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, thay lời tác giả đảm nhận chức năng trần thuật như phóng sự Tạ Đình Đề - sự thật và huyền thoại, Gặp phu nhân ngài đại tá cận vệ của Bác Hồ (Xuân Ba), Đêm trắng (Hoàng Hữu Các) ... Ở các phóng sự này, ngôn ngữ nhân vật dường như chiếm gần hết văn bản.Ngôn ngữ tác giả thi thoảng có mặt với vai trò gợi mở để nhân vật bộc bạch quan điểm, thái độ đối với hiện thực.

          Ngôn ngữ nhân vật thường được sử dụng ở hai dạng chính. Dạng thứ nhất, nhân vật trực tiếp phát ngôn với tư cách là người trần thuật hoặc phát ngôn khi cùng đối thoại với tác giả. Dạng thứ hai, ngôn ngữ nhân vật xuất hiện gián tiếp thông qua lời tác giả. Ở dạng này, “nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc không nói thay lời nhân vật, không sáng tác lời nhân chứng7. Nhà báo có nhiệm vụ trích dẫn nguyên vẹn phát ngôn của nhân vật đúng với tinh thần của nó. Dạng ngôn ngữ này có thể gặp ở nhiều phóng sự như: Hành trình đến xứ sở Hansen (Huỳnh Dũng Nhân), Hành trình giải oan (Nguyễn Chính), Chuyện về những hồn ma ở Trường Sơn (Xuân Ba)...

          Dù xuất hiện dưới dạng thức nào thì ngôn ngữ nhân vật được sử dụng cũng không ngoài mục đích minh hoạ cho tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Linh hoạt, thẳng thắn, quyết liệt là đặc điểm của ngôn ngữ nhân vật trong phóng sự thời kỳ đổi mới. Công phá cái xấu, cái ác, tác giả để nhân vật ném ra những lời gay gắt và trần trụi, trực diện phanh phui sự thật, lên tiếng kêu đòi công lý, thức tỉnh nhân tâm.Ngôn ngữ tác giả là chất liệu cơ bản, là “yếu tố thứ nhất của văn học” (M.Gorki). Một phóng sự không thể hoàn toàn mượn lời nhân vật. Phóng sự chỉ có thể hình thành khi có sự dẫn dắt của ngôn ngữ tác giả. Nghiên cứu ngôn ngữ tác giả, cần thiết phải bắt đầu từ cái tôi trần thuật.

            Phóng sự 1932-1945, cái tôi ít có điều kiện xuất hiện trực tiếp. Thường chỉ gián tiếp có mặt thông qua nhân vật. Ngược lại, trong phóng sự thời kỳ đổi mới, cái tôi là yếu tố không thể thiếu. Đại hội Đảng lần thứ VI với chủ trương “cởi trói”, đã tạo điều kiện để cái tôi tràn vào văn học, đặc biệt ở thể loại phóng sự. Có thể nói, đây là thời kỳ mà cái tôi trần thuật trong phóng sự “có bề dày và bản sắc nhất”. Như một chiếc lò xo bị nén, nay được tác động của ngoại lực, nó bậc tung, bứt phá ra khỏi những quy luật bình thường. Bóng dáng cái tôi tác giả khắc đậm trong mỗi tác phẩm. Cái tôi trong phóng sự sau 1986 là cái tôi linh hoạt và đa dạng. Với tư cách một nhân chứng, cái tôi tác giả khâu nối các dữ liệu, thông tin đến bạn đọc. Trong trường hợp này, cái tôi không nhất thiết phải xuất hiện ở ngôi thứ nhất, có thể dẫn dắt câu chuyện ở ngôi thứ ba, song tính chất cụ thể và chân xác của con người và sự kiện cũng đủ minh chứng cho sự có mặt của tác giả trong từng chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm. Không dừng lại ở chức năng của “một chiếc máy ảnh”, phóng sự đi đến vạch trần sự phức tạp của đời sống xã hội, thẩm định, lý giải nó bằng cái tôi chính kiến giàu lý lẽ và cảm xúc thẩm mỹ.Sự uyển chuyển, linh hoạt của cái tôi trần thuật trong một chừng mực nào đó góp phần tạo nên ngôn ngữ, giọng điệu tác phẩm. Ngôn ngữ, giọng điệu của phóng sự thời kỳ đổi mới rất riêng, thường sinh động và nhiều sắc thái. Khi thì nghiêm túc, lý lẽ; khi hài hước, hóm hỉnh; khi bạo liệt, gai góc; và lắm lúc cũng tràn đầy xúc cảm chẳng kém nào một tác phẩm văn học đích thực.

            Nghiêm túc, lý lẽ sắc cạnh, nhiều phóng sự đã công khai tuyên chiến với cái xấu, cái ác. Những “thói đời” ngông ngáo, những mặt trái của xã hội được phóng sự làm sống lại bằng nét bút táo bạo, gay gắt, toát lên lời kết án dữ dội. Những bức bối, những trăn trở lâu nay bị nén chặt, giờ có điều kiện tung hoành thoải mái, đả kích trực diện.

          Đôi khi, cái hiện thực nghiệt ngã ấy lại được phóng sự chuyển tải bằng giọng điệu hài hước, hóm hỉnh. Hài hước, hóm hỉnh nhưng thâm thuý, sâu cay, ngôn ngữ phóng sự góp phần vạch trần cái xấu đem lại những cơn sốc bất ngờ. Khi tiêu cực và tệ nạn xã hội vẫn còn tồn tại, tác hại của chúng vẫn còn làm tổn thương đến uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân thì thứ ngôn ngữ gây “sốc” ấy vẫn còn được sử dụng. 

         Tóm lại, trong “bản giao hưởng nhiều giọng”, căng thẳng, gai góc và bạo liệt là giọng chủ âm của phóng sự thời kỳ đổi mới. Với chất giọng đặc biệt này, so với phóng sự 1932-1945, phóng sự thời kỳ đổi mới tiến xa hơn về mặt tác động đối với sự phát triển của xã hội. Hiệu ứng xã hội là điểm rõ rệt nhất, nổi bật nhất và là điểm đặc thù của phóng sự thời kỳ này. Tấn công vào những vấn đề bức xúc của xã hội, phóng sự hoá giải nỗi đau, nhen nhóm niềm tin trong mỗi con người. Phóng sự “xốc” con người đứng dậy, vượt qua những rào chắn của cuộc đời hướng đến thế giới chân - thiện - mỹ. Đặc biệt, phóng sự thời kỳ này còn “có khả năng điều tra những sự bất hợp lý ... rồi dự báo trước cái lôgic tai hại của nó trong tương lai để kịp thời sửa chữa, ngăn ngừa, phòng thủ từ xa 8. Nhiều vấn đề phóng sự đặt ra được các cơ quan chức năng lưu tâm, tìm hướng tháo gỡ. Nhiều vụ việc bức xúc được đưa ra chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và được chính phủ chỉ đạo giải quyết triệt để. Đó là thành công về mặt hiệu ứng xã hội của phóng sự thời kỳ đổi mới.

o0o

          Yêu cầu và tính chất của đời sống hiện đại buộc phóng sự sau 1986 phải có sự định hướng và cách tân phù hợp. Đề tài được mở rộng đến vô cùng, dường như không còn vùng cấm kỵ. Chất truyện nhạt dần, tăng cường tính thời sự - thời đại, một đặc trưng cơ bản của phóng sự. Bên cạnh đó, do tốc độ của đời sống, do sự kiện bề bộn, do nhu cầu gửi và nhận thông tin kịp thời nhanh nhạy, phóng sự giai đoạn này có khuynh hướng thu hẹp về kích thước, dung lượng, về cấu trúc ngôn từ nhưng vẫn đảm bảo lượng thông tin tâm hồn và cuộc sống đến với người đọc. Thi pháp mới mẻ và độc đáo của phóng sự thời kỳ đổi mới là sản phẩm được hình thành từ quy luật phát triển tất yếu của đời sống thể loại, một mặt chịu sự quy định của cấu trúc đời sống xã hội, mặt khác do sự nỗ lực của chủ thể sáng tạo khi hướng ngòi bút của mình vào những vấn đề quan trọng có liên quan đến vận mệnh dân tộc và số phận con người.

          Vì vậy mà tính chiến đấu của phóng sự trở thành sức mạnh, có quyền uy và hiệu nghiệm trong việc thúc đẩy cuộc sống phát triển theo hướng tích cực. Hiệu ứng xã hội chính là điểm nổi rõ nhất, nó làm cho phóng sự giai đoạn này có sức mạnh, có quyền uy và có sức lay chuyển xã hội. Đó cũng chính là hiệu ứng thẩm mỹ của phóng sự Việt Nam thời kỳ đổi mới.

 

 

[/url]
Về Đầu Trang Go down
http://09bc.roll.tv
 
PHÓNG SỰ VIỆT THỜI ĐỔI MỚI
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Thể Loại Phóng Sự ( CÁI TÔI TRẦN THUẬT QUA CÁC THỜI KỲ)
» TIẾC MỤC VIDEO : THỜI TRANG & BÁO CHÍ
» THỜI KHÓA BIỂU TỪ 5/9-11/9
» THỜI KHÓA BIỂU TỪ 20-25/09/2010
» THỜI KHÓA BIỂU 27/09-2/10/2010

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
......::::::: DIỄN ĐÀN LỚP 11LTBC - RTC2-VOV:::::::.......... :: Thông Báo của Diễn Đàn :: Tài Liệu Báo Chí-
Chuyển đến